Qua 20 năm, Luật Doanh nghiệp đã có một số cải cách theo xu hướng tốt hơn, nhưng một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác. Đó là một trong những nội dung hội thảo: “20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách tổ chức” tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Tuân thủ 4 tiêu chí cải thiện môi trường kinh doanh
Sau 20 năm Luật Doanh nghiệp (DN) được ban hành, ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, đây là Luật đầu tiên của kinh tế thị trường Việt Nam. Dựa trên 4 tiêu chí đánh giá là tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ; an toàn trong kinh doanh; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách và thực thi luật pháp, thì Luật DN đã đạt được nhiều thành tựu.
Sửa đổi Luật Doanh nghiệp sát với thực tế
Qua nhiều phiên bản sửa đổi, Luật DN đã tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện quan trọng để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do. “Cái được bao trùm là một hệ thống tư duy mở rộng quyền tự do kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tăng an toàn, giảm rủi ro trong kinh doanh đã chi phối ở mức độ nào đó trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc sửa đổi nhiều đạo luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…” – ông Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc thi hành Luật Doanh nghiệp trong thực tế còn tồn tại không ít khó khăn và vướng mắc. Cụ thể, một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác. Quyền tự do kinh doanh bị hạn chế bởi một số quy hoạch bất hợp lý, không phù hợp và mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu… vẫn phải xem xét thêm.
Bổ sung hạn chế về Luật DN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM) thông tin, nếu so sánh thực trạng quản lý DN nhà nước tại Việt Nam với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì dù ta đã làm, đã nỗ lực, nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Chẳng hạn như, mục tiêu sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, nhất quán; chức năng chủ sở hữu nhà nước chưa tách bạch với chức năng quản lý nhà nước, mặc dù Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã được thành lập; vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực; chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan; thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu…
Để đảm bảo tính ổn định của Luật DN, nhiều chuyên gia nêu quan điểm, Luật cần xây dựng một số nguyên tắc cốt lõi. Nếu những nguyên tắc này được xây dựng tốt, ổn định trong một thời gian dài sẽ giúp cho các quy định pháp luật liên quan đến DN dễ dàng thống nhất, phù hợp với nhau, như: Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư… Cụ thể, xem xét giữ ổn định và có thể hình thành các vấn đề về sở hữu DN, quyền và nghĩa vụ DN, mô hình tổ chức, quản trị DN…
Xem xét và phân tích sâu hơn về Luật DN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, để sửa đổi Luật DN tới đây được thực chất và hiệu quả, bài học đặt ra là các cơ quan quản lý phải lắng nghe DN, nhìn thẳng vào sự thật để có những sửa đổi sát với thực tế cũng như nhu cầu, nguyện vọng của DN. Bên cạnh đó, pháp luật phải có những điều khoản tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, làm tốt hơn các quốc gia khác, phát huy sức mạnh toàn dân.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 67/141 nền kinh tế và chỉ trên Lào, Campuchia… Do đó, Luật phải tương thích, đáp ứng với các cam kết về hội nhập quốc tế. Đồng thời, Luật DN sửa đổi lần này cần tiếp tục được hoàn thiện và áp dụng cho cả DN tư nhân và Nhà nước một sân chơi chung tự do. Khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất, kinh doanh theo năng lực với tinh thần đưa hộ kinh doanh vào để đảm bảo bình đẳng trước các DN khác.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Công ty tư vấn doanh nghiệp Blue để được tư vẫn miễn phí.