Chiều 29/11 tại Cần Thơ, chuyến bay thẳng từ thành phố Tokyo của Nhật Bản đến sân bay Cần Thơ mang theo 130 doanh nghiệp của Nhật Bản vào Cần Thơ để tham dự Chương trình giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5. Các doanh nghiệp Nhật Bản đến tham dự muốn tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức từ 29/11 đến 2/12. Đây là chương trình được tổ chức thường niên từ năm 2015 đến nay.
Đây là lần thứ hai, ban tổ chức thuê chuyên cơ đón doanh nghiệp từ Nhật Bản đến tham dự Chương trình giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản. Chuyến bay đón 130 doanh nhân từ Nhật Bản đến sân bay Cần Thơ.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, Chương trình giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 với các sự kiện quan trọng như: Diễn đàn hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mekong; hội thảo chuyên đề phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường lần thứ 3. Đặc biệt là phiên ráp mối kết nối thương mại và đầu tư giữa hai nước và đây được xem là hoạt động quan trọng kết nối văn hóa vùng ĐBSCL và Nhật Bản.
Ông Nguyễn Phương Lam nói: “Chúng tôi kêu gọi đầu tư về lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp, chúng tôi cũng ghi nhận được doanh nghiệp Nhật Bản rất là quan tâm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có logistics, có xây dựng, các ngành công nghệ xử lý môi trường, xử lý nước, xử lý đất, muốn giới thiệu công nghệ này cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Và như vậy chúng tôi hy vọng rằng trong sự kiện lễ hội năm nay sẽ giới thiệu đến các doanh nghiệp, địa phương của ĐBSCL những công nghệ Nhật Bản”.
Chia sẻ về cơ hội, tiềm năng của Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Chương trình giao lưu văn hóa với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng và môi trường đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời thành phố sẽ giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư đến các doanh nghiệp Nhật Bản.
Riêng tại Cần Thơ hiện có Tập đoàn Aeon Nhật Bản đang xúc tiến dự án đại siêu thị – đô thị vệ tinh và xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm tinh chế cung cấp cho các nhà hàng và trên máy bay.
Ông Nguyễn Phương Lam chia sẻ, Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế là vùng chế biến lương thực thực phẩm lớn, có khả năng cung ứng cho cả nước và toàn cầu. Thị trường miền Tây với gần 20 triệu dân đang phát triển và có sức tiêu thụ lớn, lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ… Riêng thành phố Cần Thơ đã đầu tư 400 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nhiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long cũng còn nhiều hạn chế từ hạ tầng giao thông đến chất lượng nguồn nhân lực. Chính quyền các địa phương đang nỗ lực cải thiện các hạn chế này để thu hút các nhà đầu tư; trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản.
Là một trong những doanh nhân có mặt trên chuyến bay thẳng từ Tokyo đến Cần Thơ, ông Kondo Norihiko, doanh nhân Nhật Bản, bày tỏ trong dịp này có nhiều doanh nghiệp đến mong hợp tác với Việt Nam, trong đó có rất nhiều người trẻ
Từ sự thiết kế và thực hiện kết nối của VCCI, thành phố Cần Thơ đã 4 lần tổ chức sự kiện giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản và năm nay là lần thứ 5. Đến thời điểm này toàn thành phố có 8 đối tác Nhật Bản đến hợp tác thực hiện dự án với tổng số vốn gần 27 triệu USD.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Luật Blue để được chúng tôi tư vẫn miễn phí.